Sinh viên nghĩ gì về học hộ?

(AJC Times) – Đã từ lâu học hộ không còn là khái niệm mới mẻ đối với mỗi sinh viên. Dù nhiều lần, vấn đề này đã được đưa ra bàn luận, nhiều trường hợp phát hiện đã bị xử phạt thích đáng. Thế nhưng, nhu cầu học hộ và dịch vụ học thuê vẫn không được chấm dứt. Vậy bản thân sinh viên- những người trong cuộc nghĩ gì về vấn đề này?

1. Học hộ – Biết sai nhưng vẫn làm

Bắt đầu bằng việc nhờ bạn bè đi điểm danh hộ trong các tiết học mà vì một lí do nào đó không thể lên lớp, dịch vụ “học thuê, học hộ” đã phát triển nhanh chóng trở thành nghề kiếm cơm của một số bạn trẻ bởi tính chất dễ dàng của công việc. Thông qua các trang quảng cáo, website riêng, các trang mạng xã hội, việc học được trao đổi mua bán công khai với mức giá vô cùng hấp dẫn. Học hộ cũng có nhiều trường hợp, chỉ nhờ người học hộ khi có việc đột xuất và lúc nào cũng nhờ người học hộ.

anh1 (3)

Không khó để tìm những mẩu tin đăng được công khai trên mạng về “dịch vụ” này

 Đa số sinh viên được hỏi cho rằng, học hộ là hành vi tiêu cực, và nó vốn dĩ là điều không nên. Thế nhưng họ sẽ vẫn thực hiện hành vi tiêu cực ấy nếu như  họ bắt buộc phải nghỉ vì một lí do nào đó, trong khi số tiết nghỉ được cho phép đã hết. Nguyên nhân của việc vắng mặt cũng rất đa dạng, trong đó có những lí do thật, hoàn toàn chính đáng và có thể thông cảm. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, thuê người học hộ vì lười lên lớp, vì vướng lịch đi chơi hoặc vì tranh thủ về quê.

Bạn Võ Phan Hoàng Ngọc (Học Viện báo chí tuyên truyền) chia sẻ: “Những trường hợp học hộ do có hoàn cảnh bất đắc dĩ, không còn cách nào khác có thể được thông cảm. Nhưng bản thân người nhờ học hộ cũng phải có tinh thần học tập, không quá lạm dụng vào việc nhờ người học hộ mà bỏ bê việc học tập”. Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp thường xuyên nhờ người học hộ dẫn đến không hiểu bài, không nắm được bài, không học bài. Kết quả là phải thi lại, học lại

2. Học hộ – Được và mất

Nếu buổi học hộ không bị phát hiện thì tất nhiên là cả hai bên thuê và hộ đều được lợi. Người thuê coi như được điểm danh có mặt hôm đó, người học hộ nhận được số tiền xứng đáng. Nhưng cũng có những phi vụ bị phát hiện để lại những câu chuyện dở khóc dở cười.

Bạn Lê Minh Tâm (Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Hồi trước lớp mình có một sinh viên nhờ bạn đi học hộ. Bạn sinh viên học hộ này rất giỏi, khi bị gọi tên lên trả lời một câu hỏi hóc búa, bạn đã trả lời xuất sắc và được cho 10 điểm, để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc với giáo viên. Hôm sau, khi bạn sinh viên thực sự đi học tiếp môn này, lại được gọi lên và hỏi lại câu đó, nhưng bạn ấy không trả lời được. Mọi chuyện bị phát hiện, người bạn đó chấp nhận phải học lại môn này năm sau”.

Hay như chuyện của bạn Hồ Thị Ngọc Ly (Đại học ngoại ngữ): “Được bạn nhờ đi đón người học hộ, sau khi gọi điện liên lạc thì hai người gặp nhau ở cổng trường, đặc điểm nhận dạng là hai người đều cầm điện thoại trên tay. Đến lúc đi cùng người bạn này vào lớp, nói chuyện hỏi rõ mới biết là nhầm người rồi lại phải liên lạc lại với người học hộ kia.”

anh2 (3)

Giảng đường đông giúp sinh viên học hộ “ẩn mình”  – Ảnh minh họa

 Gần đây, báo chí đưa ra hàng loạt những thông tin cử nhân ra trường thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề, buồn hơn là thông tin 1 lao động người Singapore bằng 15 người Việt Nam. Không nói đến chuyện  những sinh viên chăm chỉ nhưng vẫn không tìm được việc, nếu một sinh viên duy trì tình trạng học hộ kéo dài sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về kỹ năng cơ bản, kỹ năng chuyên môn. Mỗi buổi đến lớp, người thầy luôn cố gắng truyền đạt những kinh nghiệm, những sai lầm và bài học cho sinh viên để họ có được bước đi đúng đắn trên con đường lập nghiệp sau này. Nếu bạn bỏ nhiều buổi học, tức là đồng nghĩa với việc bỏ qua con đường tắt, lãng phí thời gian vấp phải những sai lầm. Việc đi học được coi nhẹ, kiến thức của mình có thể bán cho người khác thì dễ dàng thất nghiệp, thiếu tay nghề và trình độ chuyên môn là điều dễ hiểu.

Bạn thấy đấy, chỉ vì một buổi nhờ người học hộ mà bạn đánh mất rất nhiều thứ, vậy thì có nên hay không?

3. Có cách nào để ngăn chặn học hộ không?

“Theo mình thì không, vì có nhiều trường hợp học hộ không thường xuyên nên không thể bị phát hiện, những người đi học hộ thường đã quen việc và tránh sự chú ý. Chỉ có thể hạn chế vấn đề này bằng một vài biện pháp quản lí của nhà trường, nhưng cũng chỉ có tính tạm thời.” Bạn Tống Đức Linh (Đại học thương mại) chia sẻ.

Dù có nhiều điều không học được từ nhà trường mà phải học từ cuộc sống, nhưng đã khi nào bạn nghĩ  công ty sau này bạn chọn là nơi làm việc chứ không phải nơi dạy việc. Đánh mất một vài kiến thức đồng nghĩ với việc kéo dài cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp sau này. Đừng để công sức cố gắng để bước vào cánh cổng đại học bị lãng phí và nếu có thể, đừng để tuột tri thức khỏi tay mình bạn nhé.

Thực hiện:
Ngọc Anh

BEE TEAM

Ảnh: Internet
Lê Nữ Ngọc Anh, sinh năm 1995, ở Hoà Bình, hiện đang theo học chuyên ngành báo chí đa phương tiện, khoa phát thanh truyền hình, học viện báo chí tuyên truyền

Bình luận về bài viết này